Yêu | “Cuồng trai đẹp là không bình thường!”
Trai đẹp được đông đảo fan hâm mộ hò reo khi tới Việt Nam
Nhân sự kiện "trai đẹp bị trục xuất" vừa mới sang Việt Nam khiến không ít chị em đứng ngồi không yên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Mỹ học Phạm Thế Hùng (Giám đốc Chương trình nghệ thuật - Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) về hội chứng phát cuồng trước cái đẹp hiện nay.
Phát cuồng là không bình thường
Thời gian gần đây, xuất hiện thông tin về 3 chàng trai bị trục xuất vì quá đẹp trai (thông tin này đã chính thức bị bác bỏ), không ít chị em Việt Nam trở nên phát cuồng vì quá hâm mộ nhan sắc của họ. Sự yêu thích này có được coi là thái quá?
Nói đến phát cuồng là thái quá, không làm chủ được tư duy và hành động của mình. Vậy những người phát cuồng là không bình thường, quá yêu và không làm chủ được mình, thiếu sự chín chắn. Có những người khóc lóc vì thần tượng, hôn vào những chỗ thần tượng đi qua… đó là sự dốt nát đáng khinh bỉ. Con người phải có lòng tự trọng. Tóm lại, nói đến phát cuồng, dù bất kỳ là ai thì đó cũng là những người và bộ óc không bình thường.
Nhưng có một điều dễ thấy là những sự phát cuồng trước sắc đẹp của một ai đó như thần tượng, đàn ông đẹp trai hay cô gái xinh xắn nào đó chỉ tức thời, không lâu sau đó lại lắng xuống. Phải chăng đây là những sự hâm mộ cái đẹp giống kiểu “mỳ ăn liền”?
Sự phát cuồng trước cái đẹp nào đó chỉ mang tính tức thời, thái quá, không vĩnh cửu, chỉ ở một thời điểm nhất định. Còn cái đẹp vĩnh cửu là cái đẹp mang tính vĩnh hằng và hài hòa. Hâm mộ đi chăng nữa cũng phải tỉnh táo, được lọc qua bộ não của một người có sự hiểu biết, qua tư duy thẩm mỹ, tự đặt câu hỏi who? anh là ai, đang ở đâu? when? khi nào, where? ở đâu? why? tại sao?.
Kiểu phát cuồng xuất hiện như sóng rồi cũng mất hút trong thời gian ngắn, theo TS, có phải nguyên nhân xuất phát từ cách sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay?
TS mỹ học Phạm Thế Hùng cho rằng: "Nói đến phát cuồng là thái quá, không làm chủ được tư duy và hành động của mình".
Đó là chạy theo phong trào, là mốt, không tồn tại vĩnh cữu. Mốt cũng vậy, có đợt sóng dâng cao rồi lại hạ xuống. Đó là tất yếu của cuộc sống để hướng tới chân giá trị, tìm về chuẩn chung, chuẩn là đẹp còn lệch chuẩn là không đẹp.
Hội chứng hâm mộ thái quá trước sắc đẹp như vậy có ảnh hưởng đến văn hóa nói chung?
Truyền thống văn hóa Việt Nam rất đẹp, được kết tinh từ hàng ngàn năm nay, với nền văn hóa có bề dày như vậy không thể để những cái xấu dù nhỏ làm ảnh hưởng đến truyền thống vĩnh cửu của người Việt Nam. Sự phát cuồng hay hâm mộ thái qua không làm ảnh hưởng đến văn hóa vì nó sẽ qua đi, cái đẹp vẫn tồn tại, phát triển và chiến thắng.
Liệu điều đó có thể chấm dứt? Lúc nào thì không còn hiện tượng phát cuồng thái quá như vậy, thưa TS?
Hiện tượng đó không chấm dứt vì đó là trào lưu, tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc sống sẽ thanh lọc để hướng đến những cái đẹp chuẩn mực.
Vẻ đẹp cần sự hài hòa
Người Việt Nam từ xưa đã có những tiêu chuẩn để đánh giá một người được coi là đẹp. Xin TS cho biết, thước đo nào đánh giá một người đàn ông hoặc một người phụ nữ là đẹp?
Nhân loại nói chung và người Việt Nam nói riêng đều quan niệm cái đẹp của nam và nữ giới cần sự hài hòa. Có nghĩa là đẹp cả về nội dung, hình thức, trí tuệ và đạo đức.
Phụ nữ đẹp là người có khuôn mặt đẹp, có đạo đức và hiểu biết. Một người phụ nữ đẹp mà kém hiểu biết thì vẻ đẹp hình thức cũng không có giá trị. Với nam giới cũng thế, người đàn ông đẹp là thể hiện ở sức mạnh đàn ông, vững chãi để che chở cho người phụ nữ, có ý chí sắt đá, lòng đam mê và thành công trong sự nghiệp.
Về vẻ đẹp của người đàn ông, văn hóa phương Đông thường chú ý đến vẻ đẹp tài năng, trí tuệ mà đôi khi bỏ quên hình thức bên ngoài?
Cả phương Đông và phương Tây đều coi trọng trí tuệ, tài năng. Nhưng chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, có nhiều cô gái xinh đẹp vẫn lấy những người hơn mình nhiều tuổi có tiền bạc. Không ít người đàn ông, hình thức bên ngoài rất xấu nhưng vẫn kết hôn với người phụ nữ đẹp. Vì người phụ nữ cần một bờ vai vững chắc để làm chỗ dựa, cần điểm tựa về kinh tế. Vì vậy, người đàn ông ở thế kỷ 21 phải đẹp về trí tuệ, có sức mạnh về chất xám. Ở thế kỷ 21, biểu hiện cái đẹp là trí tuệ và tài năng.
Tuy nhiên, đôi khi trong cuộc sống, vẻ đẹp bên ngoài có chút lấn lướt với vẻ đẹp trí tuệ và tài năng, ý kiến của TS về hiện tượng này như thế nào?
Khi mới gặp nhau thì y phục xứng kỳ đức, có nghĩa đánh giá bằng vẻ đẹp bên ngoài, nhìn y phục biết đạo đức như thế nào. Quen nhau gần thì nể bụng nể dạ, còn lạ thì nể áo quần có nghĩa là mới gặp nhau thì căn cứ dung nhan, dáng người, khuôn mặt đẹp chứ chưa cần biết về trình độ, đạo đức, trái tim thủy chung. Cái đẹp đầu tiên khi đập vào mắt là hình thức, có nghĩa là mặt đẹp, dáng đẹp, quần áo đẹp.
Còn gần nể bụng nể dạ nghĩa là tiếp xúc nhiều sẽ biết được trí tuệ, tính cách mà người phụ nữ cần có ở một người đàn ông. Có thể ban đầu gặp một chàng trai thấp bé nhưng càng tiếp xúc thì thấy được tài năng, trí tuệ, đạo đức và quan trọng là kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống.
Đàn ông hay phụ nữ cũng nên làm đẹp
Xã hội ngày càng phát triển, xu thế làm đẹp qua phẫu thuật thẩm mỹ cũng đã có những bước tiến lớn. Vậy có được vẻ đẹp qua yếu tố nhân tạo này, theo TS có đáng trân trọng?
Điều đó đáng trân trọng chứ, phẫu thuật thẩm mỹ ra đời là một phát minh của thế kỷ 21 giúp phục hồi cái đẹp cho những người khiếm khuyết về hình thức. Ngày xưa mũi tẹt, má họp, mắt một mí thì chịu nhưng ngày nay có thể biến từ xấu thành đẹp. Phải nói rằng phẫu thuật thẩm mỹ là bước tiến lớn của văn minh nhân loại.
Tuy nhiên, qua thẩm mỹ, nhiều người lại vô tình đánh mất nét đẹp tự nhiên, Tiến sĩ có thể chia sẻ quan điểm về câu chuyện này?
Nếu không biết làm đẹp thì sẽ dẫn tới tai họa, có những người đã có sắc đẹp nhưng vẫn nhờ đến phẫu thuật thẩm mỹ, làm cho đẹp trở nên xấu, đó là sự dốt nát và dại dột. Với những người xấu thì thẩm mĩ là nơi cứu cánh, giúp họ ra đời cảm thấy tự tin hơn, kể cả với nam giới.
Hiện nay, không chỉ có nữ giới mà nam giới cũng làm đẹp, TS có ủng hộ điều này?
Ai cũng nên làm đẹp kể cả đàn ông, đặc biệt là những người làm nghệ thuật. Có những người đi tắm trắng, nâng mũi… Nhìn ra nhiều quốc gia khác, diễn viên trong các bộ phim có sắc đẹp như vậy một phần là nhờ thẩm mỹ. Vì vậy, thẩm mỹ có giá trị trong đời sống, làm cho mọi người đẹp hơn.
Xin cảm ơn TS đã chia sẻ!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét