Mẹ mang trọng bệnh, cô học trò nghèo có nguy cơ bỏ học
Năm học đã chuẩn bị bắt đầu nhưng Y Liêng vẫn phải ở bệnh viện để chăm mẹ bệnh nặng
Bố mất từ năm 2009 do căn bệnh ung thư gan, các anh, chị xây dựng gia đình và ra ở riêng, chỉ còn lại Y Liêng (16 tuổi, học lớp 10, trường Dân tộc nội trú huyện Đăk Hà, Kon Tum) và người mẹ nghèo Y Jũng (trú thôn 9, xã Đăk La, Đăk Hà, Kon Tum) sống trong căn nhà nhỏ. Cuộc sống của 2 mẹ con dù cực khổ với vài sào ruộng nhưng bà Jũng luôn nhận thức được rằng: chỉ có cái chữ mới có thể làm thay đổi cuộc đời Y Liêng. Vì vậy, dù vất vả đến đâu bà cũng cố gắng cho Liêng ăn học một cách tốt nhất.
Thương mẹ, Liêng luôn cố gắng chăm chỉ học tập với thành tích học lực khá và được vào trường Nội trú huyện học để nuôi ước mơ sau này trở thành giáo viên. Cuộc sống của 2 mẹ con cứ trôi qua trong yên bình, nào ngờ tai họa đã ập xuống 2 phận đời éo le này. Cách đây chừng 2 tháng rưỡi, bà Jũng đi làm gặt lúa dưới ruộng lúa nước và bị vi khuẩn tấn công vào chân.
Một tuần sau, trong lúc khiêng bì lúa với người em gái vào nhà, bỗng dưng chân bà Jũng sưng to, đau nhức như muốn vỡ tung ra, cơ thể nóng như có lửa thiêu. Bà Jũng được các con đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu và được các bác sĩ kết luận bà bị tụ cầu vàng do vi khuẩn Staphylococcus.aureus tấn công. Khiến bắp chân bà Jũng bị hoại tử, chỉ nằm một chỗ, cơ thể đau yếu và lúc nóng, lúc lạnh. Hiện bà Jũng đang được điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.
Đau ốm, nhưng vì không có tiền để bồi dưỡng cơ thể khiến sức khỏe của bà Jũng rơi vào suy kiệt, lâu hồi phục. Đã hơn 2 tháng trôi qua, nhưng bà Jũng vẫn phải nằm viện điều trị. Các con bà Jũng đã phải vay mượn khắp nơi mới có tiền mua thuốc và đóng tiền viện cho mẹ, nhưng do kinh tế của ai cũng khó khăn, mà mỗi ngày tiền chi tiêu của bà Jũng và Liêng ở trên bệnh viện hết gần cả trăm nghìn nên với họ đó là gánh nặng quá sức. Nhiều ngày qua, để có cơm cho 2 mẹ con ăn, Liêng phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ để xin cơm từ thiện. Nhưng do sức khỏe bà Jũng quá yếu, cơm từ thiện lại không đủ chất nên vết thương của bà Jũng khó hồi phục.
“Người mẹ em rất mệt, mẹ không muốn ăn gì nhưng em phải ép cho mẹ ăn. Mỗi lần mẹ nói mẹ thèm ăn cơm với cái này, cái kia em rất vui nhưng em không có tiền để đi mua những thứ mẹ muốn ăn khiến em chỉ biết trốn đi chỗ khác để khóc. Mấy cô, chú ở cùng phòng thấy mẹ con em không có tiền mua cơm ăn, em phải thường xuyên nhịn đói nên thỉnh thoảng họ cũng cho em vài chục nghìn hoặc cho mẹ con em bánh mì, đồ ăn”, Liêng tâm sự.
Liêng cho biết, gia đình em có 5 người con, em là con út trong gia đình. Các anh, chị đều đã lập gia đình và ra ở riêng, mưu sinh bằng nghề nông vì vậy cuộc sống của họ cũng khá khó khăn. Từ ngày bà Jũng bị bệnh, họ đã thay nhau ghóp tiền và đi vay nợ để trang trải tiền viện phí, thuốc men và tiền ăn cho bà Jũng. Nhưng do vết thương của bà Jũng khá nặng lại nằm viện lâu nên nhiều ngày qua, các anh, chị Liêng chỉ thỉnh thoảng vào thăm mẹ chứ không có tiền để chu cấp thêm. “Mấy năm trước, bố em bị bệnh nên mẹ em đã mang sổ đỏ đi vay ngân hàng để lấy tiền cho bố em chữa bệnh và mẹ em có vốn làm ăn. Bây giờ, mẹ em vẫn chưa có tiền để trả nợ ngân hàng, đi vay cũng không được nữa”, Liêng cho biết thêm.
Do không có tiền để mua đồ ăn bồi bổ cơ thể nên sức khỏe bà Jũng bị suy kiệt nhiều
Mẹ bệnh, nhà nghèo, năm học mới chuẩn bị bắt đầu nhưng Liêng vẫn chưa biết mình có thể được tiếp tục đến trường nữa không, bởi trước hoàn cảnh trên, các anh, chị Liêng đều khuyên Liêng nên nghỉ học ở nhà chăm mẹ và làm rẫy. “Em rất thích đi học, em rất thương mẹ. Em đã mất bố rồi nên em không muốn mất thêm mẹ, em rất sợ mất mẹ, mẹ rất thương em và không muốn em nghỉ học. Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nửa là khai giảng năm học rồi, các bạn em ai cũng lo chuẩn bị để đi học, còn em thì chưa biết có được đi học nữa không. Bây giờ em chỉ ước sao cho mẹ sớm khỏi bệnh để 2 mẹ còn em về nhà”, Liêng bộc bạch.
Trao đổi về tình trạng của bà Jũng, bác sĩ Văn Đức Phong, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc của bà Jũng đã được cải thiện, nhưng bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng suy kiệt cơ thể. Khả năng cắt bỏ chân là rất ít xảy ra, tuy nhiên vấn đề điều trị rất phức tạp và dai dẳng, khó khăn và kéo dài nên cần sự chăm sóc và dinh dưỡng tốt cho bà Jũng.
Bác sĩ Phong cho biết thêm: “Bà Jũng là hộ nghèo, chế độ ăn dành cho người bệnh hoàn toàn không có, tiến trình phục hồi còn tùy thuộc vào sức khỏe của bà, trong khi dinh dưỡng thì không có gì ăn”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Em Y Liêng : Thôn 9 – Xã Đăk La, Huyện Đăk Hà – Tỉnh Kon Tum.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét