Đừng tưởng cứ "dai" là khỏe
Nhiều quý ông vẫn lầm tưởng khi ân ái cứ "dai là khỏe". (Ảnh minh họa).
Đừng tưởng cứ "dai" là khỏe
Lâu nay, sức mạnh giường chiếu của đàn ông thường được đo bằng thời gian làm "việc ấy", chính xác là từ lúc "lâm trận" cho đến khi xuất tinh. Quan niệm này dựa trên một thực tế rằng, một khi đã giải phóng "tinh binh" rồi, thì dương vật cũng không duy trì được sự cương cứng nữa, cuộc "yêu" sẽ kết thúc ngay sau thời khắc đó. Chính vì thế, "xuất tinh sớm" mặc nhiên trở thành nỗi ám ảnh các quý ông (và cả bạn tình của họ nữa - PV).
Một khi chẳng may mắc phải chứng này, các "khổ chủ" thường chạy vạy, phải tìm đủ mọi cách để kéo dài thời gian cầm cự. Lẽ đơn giản, họ tin rằng càng "dai" tức là càng khỏe, càng sung mãn. Đủ mọi chiêu thức "bế tinh", thức ăn vị thuốc…, được lưu truyền nhằm kéo dài thời gian chinh chiến. Nhưng ít ai biết rằng, nếu "dai" quá cũng chẳng hay ho gì, mà trái lại còn mang lại những hậu quả tiêu cực.
Trong vài năm gần đây, giới nghiên cứu về sức khỏe tình dục bắt đầu có thêm một khái niệm mới: Hội chứng chậm xuất tinh (DES - Delayed Ejaculation Syndrome), hay còn gọi là suy giảm xuất tinh ở nam giới. Đó là tình trạng mà phải mất một thời gian kích thích rất lâu, người đàn ông mới có thể đạt được hưng phấn cao độ (chưa hẳn là cực khoái) và xuất tinh. Ở thể nặng hơn, một số người thậm chí còn không thể "xuất" được, dù cũng có cảm giác khoái cảm. Được ghi nhận lần đầu ở một người đàn ông Mỹ trung niên, đến nay, DES đã thực sự là một hội chứng tình dục điển hình với rất nhiều bệnh nhân mắc phải, trải khắp các quốc gia trên toàn thế giới.
Với người bình thường, việc khó hay không thể xuất tinh đôi khi có thể vẫn xảy ra trong đời. Nhưng nếu điều này diễn ra thường xuyên, đó chính là các triệu chứng của DES. Theo tiến sĩ Michael Camilleri thuộc Quỹ nghiên cứu giáo dục và y tế Mayo (Anh), một người bị coi là mắc DES nếu thường xuyên không thể xuất tinh hoặc chỉ xuất sau hơn 30 phút được kích thích tình dục (quan hệ tình dục, thủ dâm…).
Ước tính, chỉ riêng nước Mỹ hiện có khoảng vài nghìn người đang là nạn nhân của DES. Đây là con số dựa trên báo cáo về các trường hợp đi khám, trên thực tế, các nhà khoa học tin rằng số bệnh nhân có thể còn nhiều hơn do đa số các đấng mày râu đều ngại ngùng nhắc đến trục trặc này của mình. Tiến sĩ Camilleri cho biết, do tâm lý xấu hổ của các "khổ chủ" nên DES chưa được biết đến nhiều, trong khi các nguy cơ khiến một quý ông lâm vào cảnh "súng xịt" lại rất nhiều. Điều đó khiến danh sách các bệnh nhân mắc phải hội chứng oái oăm này ngày một dài hơn.
Trong công trình nghiên cứu mới nhất, quỹ của ông đã bước đầu xác định được hàng loạt các thủ phạm gây lên DES. Chúng rất đa dạng và đáng tiếc là cũng khá thường gặp: khuyết tật bẩm sinh hoặc do tai nạn của "cậu nhỏ", di chứng của phẫu thuật tuyến tiền liệt, tổn thương các dây thần kinh kiểm soát cực khoái, nhiễm trùng đường tiết niệu… Tâm lý căng thẳng, lo lắng,…cũng góp phần gây ra tình trạng dở khóc dở cười này.
Đặc biệt, DES còn có thể là hậu quả của quá trình sử dụng thuốc kéo dài để điều trị một số chứng bệnh như trầm cảm, cao huyết áp, lợi tiểu, loạn thần, nghiện rượu… Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, tiến sĩ Michael Camilleri còn phát hiện ra sự đáng sợ của DES là chúng thường phát triển theo vòng luẩn quẩn: Ban đầu chỉ một trục trặc nhỏ về sinh lý gây khó khăn cho việc xuất tinh, rồi dần dần sẽ biến thành áp lực tâm lý khiến mọi chuyện càng trở nên trầm trọng hơn.
Hãy điều trị trước khi quá muộn
Hội chứng chậm xuất tinh gây ra nhiều hệ lụy xấu hơn người ta nghĩ. Với những cặp vợ chồng đang mong mỏi có con thì rõ ràng đây là một cơn ác mộng: không có "con giống" thì làm sao thụ thai nổi? Ngay cả với những cặp đôi khác cần "kế hoạch" thì DES cũng mang đến nhiều phiền muộn, kể cả với người nữ giới. Bởi khi đó, khoái cảm tình dục của cả hai người sẽ giảm đi rất rõ rệt.
Đời sống phòng the không bình thường có thể khiến họ tan đàn xẻ nghé. Áp lực không được "giải tỏa" lâu ngày tích tụ lại sẽ khiến các quý ông dễ có trạng thái tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và cuộc sống lứa đôi. Diễn biến âm thầm này không dễ nhận thấy ngay, nhưng một khi chúng bộc phát kiểu "tức nước vỡ bờ" thì khó mà tránh khỏi nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình. Do đó, tiến sĩ Camilleri đặc biệt nhấn mạnh rằng, những người mắc hội chứng này cần sớm đi khám để chữa trị càng sớm càng tốt.
Dù thực tế, các bệnh nhân đa phần đều giấu diếm tình trạng của mình vì xấu hổ nhưng qua những trường hợp đã được biết đến, hiện nay việc điều trị DES không phải là quá khó khăn. Chỉ cần mạnh dạn chia sẻ với bác sĩ vấn đề của mình, các quý ông sẽ có hy vọng "khai hỏa" trở lại sau một quá trình điều trị. Chỉ cần thăm khám trực tiếp "súng ống", cùng với xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu, hỏi thăm về tình trạng bệnh sử, các loại thuốc đang dùng… là bác sĩ đã có thể lên được phác đồ điều trị.
Hiện nay, chưa có loại thuốc đặc trị nào dành riêng cho chứng xuất tinh chậm/khó xuất tinh, nhưng có thể kết hợp một số loại thuốc sẵn có, vốn dùng cho các bệnh khác, mà vẫn thu được hiệu quả. Ba loại thường dùng nhất là Amantadine (trị bệnh Parkinson), Buspirone (thuốc an thần) và Cyproheptadine (thuốc chống dị ứng). Người mắc DES cũng cần phải được tư vấn tâm lý để giải quyết các vấn đề tinh thần đã trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng xuất tinh. Quá trình điều trị phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng người, và dù khá nhiêu khê nhưng nếu kiên trì theo đuổi, cơ hội thoát khỏi hội chứng này là rất cao.
Nếu gặp phải vấn đề tâm lý nào đó, hãy cố gắng giải tỏa chúng càng sớm càng tốt. Khi chưa thể thư thái trở lại, tốt nhất là nên "dừng yêu". Một khi gặp phải các triệu chứng điển hình của DES, không gì khôn ngoan hơn là lập tức đi khám bác sĩ. Kinh nghiệm cho thấy, với những người mới mắc, khả năng chữa trị thành công luôn cao hơn, tiến trình cũng đơn giản hơn. Càng để lâu, áp lực tâm lý càng nặng nề thì việc điều trị càng khó khăn phức tạp. Bạn tình nữ giới cũng cần động viên chia sẻ thay vì đay nghiến, chì chiết. Được như vậy, không khó để "súng ống" của các quý ông lại sẵn sàng nhả đạn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét