"Vợ ơi, để anh vào bếp, quét nhà…"
"Đàn ông làm việc nhà là thấp hèn" - suy nghĩ ích kỷ!
Khi được hỏi về quan điểm đối với việc đàn ông vào bếp, làm việc nhà, Hải Nam - chàng trai 28 tuổi, đang làm kỹ sư cho một hãng ô tô lớn ở Hà Nội chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng, khi đã chọn nhau là người bạn đời thì cả hai cần phải biết cách chia sẻ, hỗ trợ giúp nhau. Đàn ông nên nghĩ vợ làm được thì mình chắc chắn cũng sẽ làm được. Nếu ai đó cho rằng giúp đỡ vợ việc nhà là hành động thấp hèn thì đó chỉ là lời ngụy biện cho sự vô tâm, ích kỷ, phụ thuộc của họ mà thôi.
Thêm vào đó, ngôi nhà là của chung, mọi người đều phải có trách nhiệm chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Tôi khá bận rộn, công ty lại ở xa nhà, tôi vẫn có thể ở lỳ tại cơ quan tới... giờ cơm nhưng tôi không thích như vậy. Tôi không đồng ý với quan điểm vợ là phải làm mọi việc nhà, chồng chỉ có việc làm việc và về ăn cơm. Tôi coi việc chia sẻ công việc nhà với vợ là trách nhiệm, là niềm vui trong tình yêu thương gia đình mà mình có thể mang lại cho vợ.
Đôi khi vợ tôi cũng gàn, luôn miệng bảo tôi 'anh nghỉ ngơi đi, anh quá bận' nhưng thật buồn cười vì tôi thấy em cũng đâu có rảnh. Vợ tôi làm báo nên đi từ sáng sớm tới chiều, rồi đêm lại thức làm việc tới sáng. Dù là 'cường nhân' cũng khó có thể làm được chứ đừng nói là một người phụ nữ như cô ấy.
Dù bận tới đâu, tan sở là tôi cố gắng về nhà với vợ. Nếu cô ấy đang làm việc nhà thì tôi sẽ giúp vợ. Tôi rất thích được đứng trong bếp cùng vợ. Nấu ăn với cô ấy vừa được nâng cao tay nghề mà lại còn lãng mạn nữa chứ. Tôi thích nhất là lúc cô ấy cảm động khi đi làm về đã thấy nhà cửa, cơm canh nóng hổi chờ sẵn.
Tôi biết hôn nhân là khó khăn, vất vả, đặc biệt cho phụ nữ, và nhất là người có cá tính mạnh như vợ tôi. Thế nên tôi cố gắng bù đắp nhiều thứ: quan tâm đến vợ từ những thứ nhỏ nhặt nhất như: mua sơn móng tay, son môi cho vợ; đưa vợ đi xem phim, đi ăn kem, đi ăn vặt những nơi vợ thích; quan tâm đến bố mẹ, anh em của vợ; vợ muốn gì cũng cố gắng đáp ứng trong khả năng; chủ động làm lành trước khi vợ giận dỗi; phục vụ vợ khi vợ mệt mỏi..."
Hải Nam đang chuẩn bị cơm tối cho gia đình.
"Trông con, dọn nhà, nấu cơm… tôi làm việc gì cũng siêu"
Đồng quan điểm với Hải Nam là Anh Tuấn, 29 tuổi, anh đang làm kỹ sư tại một công ty xây dựng. Anh thẳng thắn bày tỏ: "Đối với tôi, việc gia đình, chăm sóc nhà cửa là việc chung, việc của các thành viên trong gia đình chứ không phải là việc riêng gắn mác 'vợ phải làm'. Trước đây, có lần đi làm về, tôi rất thương khi thấy vợ đang tay năm tay mười lúc quét nhà, lúc rửa bát, lúc lại vướng thằng con trai léo nhéo đòi mẹ bế bên cạnh.
Trước đây cứ ngỡ phụ nữ thích làm việc nhà nên tôi vô tâm không để ý vợ đang phải căng sức để chu toàn mọi việc trong gia đình bởi những việc 'cỏn con' như giặt giũ, chăm con, quét nhà... không hề đơn giản, dễ làm như tôi nghĩ.
Nếu như vợ không đi làm mà chuyên nội trợ đã đành, đằng này sáng sáng cô ấy lo cho chồng con xong lại tất bật đi làm, chiều về lại một núi việc chờ trước mắt, vậy tại sao mình chỉ ngồi nhìn vợ làm? Chuyện làm việc nhà, san sẻ với vợ chút ít không là gì, cũng không ảnh hưởng tới sĩ diện của tôi. Tôi coi đó là những việc hết sức bình thường và là nghĩa vụ của người chồng.
Công việc của vợ tôi khá bận, thế nên cứ rảnh rang là tôi lại chủ động làm, tôi cố gắng làm hết để cô ấy không bị căng thẳng, mệt mỏi mỗi khi về nhà nữa. Trông con, dọn nhà, nấu cơm… việc gì tôi làm cũng siêu (cười).
Cô ấy rất thích những món ăn tôi chế biến, thế nên dù bận tới đâu, giờ về tôi cũng có động lực lao đi chợ nấu nướng để vợ con thưởng thức. Cô ấy bảo: 'Chỉ tin tưởng vào mỗi tay nghề của chồng' (cười)".
Với Anh Tuấn, trông con, dọn nhà, nấu cơm, việc gì anh cũng làm "siêu".
"Khi vợ có bầu, tôi thấy yêu việc nhà hơn bao giờ hết"
Đó là quan điểm của Văn Anh - một chàng trai 27 tuổi, hiện đang làm tại một ngân hàng ở miền Bắc. Anh chia sẻ: “Xưa nay người ta thường quan niệm việc nhà, việc cơm nước chợ búa, quét dọn nhà cửa, chăm sóc con cái là phận sự mãi mãi thuộc về người phụ nữ. Còn đàn ông phải lo những việc trọng đại cho xứng danh trụ cột gia đình. Nhưng tôi không nghĩ điều này 100% là đúng.
Tôi quen khá nhiều anh chàng không bao giờ động tay vào việc nhà cửa vì họ cho đó là cực hình và mất hết sĩ diện của phái mạnh.
Đúng là đàn ông có nhiều việc phải gánh vác để gia đình mình được đầy đủ, hạnh phúc. Tuy nhiên không nên coi nhẹ những việc gia đình, nấu cơm, giặt giũ, quét nhà… Nghe thì nghĩ là đơn giản nhưng thực sự điều này rất mất thời gian, công sức của người làm, và đây lại là người phụ nữ của mình.
Nhiều hôm tôi thấy vợ đi làm về, lại quần quật vào bếp cơm nước, dọn dẹp rồi lại quét nhà... tôi xót vô cùng. Đặc biệt khi cô ấy có bầu, tôi thấy yêu việc nhà hơn. Tôi bắt đầu thương vợ hơn khi sau những giờ tan sở, cô ấy lại phóng như bay ra chợ rồi về nấu nướng, dọn dẹp.
"Nhiều khi thấy vợ mệt mỏi, tôi chỉ ước giá mình có thể mang bầu được cho cô ấy thì tốt biết bao".
Vợ chồng tôi mới lấy nhau được hơn 8 tháng, trong thời gian đó có vui có buồn nhưng tựu chung cả hai càng ngày càng hiểu nhau, thông cảm cho nhau nhiều hơn.
Nói rằng yêu vợ, giúp vợ thế nào thật là khó, tôi chỉ biết thể hiện tình cảm của mình bằng những hành động cụ thể, đặc biệt là sau khi cô ấy có bầu. Trước khi lấy vợ, tôi còn lười lười. Nhưng sau khi có vợ rồi chuẩn bị lên chức bố, tôi chỉ muốn được làm tất cả những việc gia đình để chăm sóc cho hai mẹ con cô ấy.
Thời gian đầu khi có bầu, cô ấy nghén dữ lắm và bị động thai, phải ở nhà 2 tháng. Ngày nào tôi cũng đi làm về sớm nấu cơm, quét dọn, giặt giũ rồi mát xa cho vợ. Nhiều khi thấy vợ mệt mỏi, tôi chỉ ước giá mình có thể mang bầu được cho cô ấy thì tốt biết bao".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét