Làm tổ trước khi… 'nằm ổ'
Một sáng đẹp trời, bỗng nhiên bạn hào hứng dọn dẹp, quét dọn nhà cửa, sắp xếp đồ đạc một cách kỳ lạ? Chào mừng bạn đến một giai đoạn thú vị trước khi sinh con: thời khắc của bản năng làm tổ.
Xưa nay, nhiều loài động vật như chim, chuột, mèo… vẫn thường dọn dẹp nơi ở của mình trước khi sinh con. Con người cũng không ngoại lệ. Nếu bạn đang trong giai đoạn sắp sửa làm mẹ, rất có thể cơ thể bạn đang hối thúc xây dựng lại tổ ấm của mình để đón chào thành viên mới.
Mặc dù biểu hiện của bản năng làm tổ ở những bà bầu có sự khác nhau nhưng bạn vẫn có thể dễ dàng nhận ra khi nó trỗi dậy trong những tháng cuối thai kỳ. Đừng ngạc nhiên khi tự nhiên bạn lại cầm bàn chải cọ rửa bồn tắm vào ngày cuối tuần hay rã đông tủ lạnh mặc dù nó mới được rã đông vào tuần trước.
Thay vào đó, hãy tận dụng mong muốn này bất cứ khi nào có thể, trước khi những công việc vặt trong nhà trở nên khó khăn đối với bạn.
Để không phải bối rối khi cảm giác muốn “xắn tay áo” xuất hiện, bạn nên sắp xếp những công việc cần làm để có thể thảnh thơi sau khi sinh.
Đừng ngạc nhiên khi tự nhiên bạn lại hào hứng dọn dẹp nhà cửa nhé. (ảnh minh họa)
Dọn dẹp tủ lạnh
Khi ngày sinh đến gần, bạn đừng ngại loại bỏ những món đồ ứ đọng trong tủ lạnh đã lâu và thay thế bằng thực phẩm tươi mới, chất lượng.
Đặc biệt, hãy dự trữ sẵn những món đồ cơ bản bạn cảm thấy cần ngay sau khi sinh bé như sữa, sữa chua, trái cây tươi, rau củ xanh và một ít thịt, trứng… Nếu cục cưng vẫn chưa chịu “chui ra” trong tuần này, lặp lại công việc một lần nữa vào đầu tuần sau nếu có thể.
Gói sẵn đồ ăn “cấp cứu”
Hãy chuẩn bị sẵn đồ ăn dinh dưỡng cho ngày mai vì có thể em bé sẽ chui ra và bạn không còn đủ sức lẫn thời gian để nấu nướng hay mua đồ. Đây được xem là một trong những kỹ năng mà bạn cần điêu luyện nếu muốn trở thành bà mẹ tuyệt vời. Hãy chọn những món ăn tiện lợi lẫn dinh dưỡng như xúp, đậu, ngũ cốc, trái cây tươi, salad rau củ, nui…
Nấu ăn với số lượng lớn
“Suốt lần mang thai đầu, tôi đã không ngừng tìm hiểu về chuyện sinh nở đồng thời được bác sĩ theo dõi sức khỏe 24/24. Thế nhưng điều mà tôi chưa từng chuẩn bị lại chính là cảm giác “thèm” xuống bếp trong những ngày sắp sinh. Không phải vì tôi cuồng ăn hay đói gì, mà lại “thèm” nấu ăn.
Suốt cả ngày tôi chỉ chăm chăm làm những ổ bánh lớn, cộng thêm một nồi hủ tiếu cho cả nhà, thế mà không mệt chút nào. Ngược lại, càng nấu càng thấy vui, không được nấu thì không chịu được...”, chị T. Khanh (Vinh) tâm sự.
Nếu bản năng mách bảo bạn cần phải xuống bếp thì có thể bạn sẽ không thể ngờ được sau khi nhìn thành quả của mình đâu! Dù lượng thức ăn khổng lồ ắt hẳn sẽ tốn diện tích tủ lạnh nhà bạn nhưng nó có thể dùng làm nguồn dự trữ cho những ngày sau, khi bạn chỉ có thể nằm ì trên giường.
Giặt giũ
Một khi em bé chào đời, chiếc máy giặt nhà bạn sẽ hoạt động với tần suất tăng chóng mặt do vết sữa đổ, vết ói… Vì vậy, ngay từ bây giờ bạn hãy tranh thủ giặt tất cả những thứ trước giờ ít khi được vào máy giặt như thảm, rèm cửa, chăn mền, bao gối và cả drap giường.
Chưa kể những bộ đồ lâu ngày không giặt của bạn cũng cần được đặt chỗ trước trong những đợt giặt đồ sau để dọn dẹp sạch sẽ giỏ đồ trong nhà.
Hãy chuẩn bị sẵn sàng hành trang đón con yêu bạn nhé! (ảnh minh họa)
Lau chùi từng kẽ hở
“Hồi mình sinh bé Miu, vui nhất là những tuần cuối thai kỳ. Cả gia đình “tá hỏa” cả lên khi thấy bà bầu bụng bự còn hơn bụng bia lại xách cái máy hút bụi chạy khắp nhà.
Cả chồng lẫn cô em chồng cứ nài nỉ mình nằm nghỉ để chồng dọn, mà đâu phải lúc nào cũng được chồng cưng như vậy nhưng mình đành vừa lắc đầu vừa tiếc hùi hụi. Hút bụi xong cái ghế sofa, bữa sau mình còn lấy khăn lau hết bàn làm việc và kệ tủ nữa mới thỏa chí…”. Chị T. Trà ( TP. HCM) kể.
Giống như chị Trà, phần lớn các bà bầu phải trải qua khuynh hướng làm tổ thường trở nên siêng “đột xuất” trong thời điểm nhạy cảm này. Tuy nhiên, dù những cuộc tổng dọn dẹp ngẫu hứng có thể giúp bạn vừa giải quyết bụi bẩn tồn đọng trong nhà vừa đón bé yêu một cách thoải mái và sạch sẽ, hãy thật thận trọng khi làm việc.
Quan trọng nhất vẫn là sức khỏe của bà bầu, nhất là trong giai đoạn này, vì vậy bạn chỉ nên làm khi thật sự muốn và lắng nghe khi cơ thể lên tiếng. Đừng quên tránh xa mọi bậc thang cao hoặc những chỗ đứng không an toàn.
Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh: “Điều khác biệt nhất là từ lúc mang bầu tôi tự nhiên rất tiết kiệm, chắc bản năng làm mẹ đã thôi thúc tôi để dành ngân sách mua sữa cho con. Tôi cũng học được cách sắp xếp cuộc sống gọn gàng, ngăn nắp để đón chào thành viên mới trong gia đình”. Bà bầu Phan Thị Mỹ Hạnh (Cần Thơ): “Nhớ lại hồi mới mang thai bé Bông, mình đã nằng nặc đòi chồng phải sửa lại căn nhà thành hai phòng ngủ. Sau đó, mình còn mang về một đống đồ nội thất mới lẫn đóng đầy đủ hàng rào để ngăn bé bò vào nơi nguy hiểm. Ai cũng ngạc nhiên hết sức vì trước giờ mình đâu có để ý về nội thất lẫn nhà cửa…”. Chị Ngọc Yến (Q. Bình Thạnh): “Dù tôi luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm người phụ nữ của gia đình, nhưng do tính chất công việc mà hầu như tôi ít có cơ hội tham gia việc nhà. Thế nhưng khi mang thai được 5 tháng, tôi lại đâm ra giặt giũ nhiều hơn bình thường, đến mức cả mình cũng phải ngạc nhiên. Giờ tôi mới biết những biểu hiện đó được gọi là “bản năng làm tổ”. |
don nha truoc khi sinh no, chuan bi sinh no, sinh no, ba bau, mang thai, mang bau, ba bau, bao phu nu,
0 nhận xét:
Đăng nhận xét