Khi dâu phố gặp mẹ chồng quê vừa bẩn, vừa lười
Đến khi những thói quen xấu của bà khiến chị quá bực mình, chị mới thay đổi hoàn toàn cách nghĩ. (Ảnh minh họa).
Chị Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) quen anh Long trên mạng. Dù chị luôn cho tình ảo chỉ là ảo và mọi chuyện cũng sẽ không thể tiến xa. Song trước sự tấn công như vũ bão cùng sự ngọt ngào của anh, chị cũng xuôi lòng đồng ý gặp mặt người yêu.
Sau khi gặp mặt, chị cũng có ấn tượng tốt với Long. Long là người đàn ông hiền lành, có trách nhiệm, hơn cả là anh rất yêu chị.
Chị là một cô gái sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo trên đất Hà Nội. Tính cách của chị khá đơn giản và không khoa trương. Với chị, tình cảm là yếu tố quan trọng hàng đầu dẫn tới hạnh phúc. Bởi thế, chị chấp nhận hẹn hò với anh - một chàng trai nghèo, quê mùa.
Sau 2 năm tìm hiểu, anh chị quyết định đưa nhau về dinh. Dù được chuẩn bị tinh thần trước ngày ra mắt nhưng chị không khỏi bị sốc khi về nhà gặp mẹ chồng.
Nhà anh nghèo hơn nhà chị rất nhiều. Điều đáng nói hơn cả là mẹ chồng tương lai của chị có những thói quen hơi lạ, mà nói thẳng ra là bà rất bẩn.
Một lần, Long đưa mẹ lên Hà Nội thăm nhà gái. Bố mẹ chị biết vậy nên cũng làm cơm chu đáo để đãi khách. Nhưng sau bữa ăn, bố mẹ chị không khỏi kinh hãi vì thông gia tương lai bẩn.
Bố mẹ để chị đã phải nhăn mặt khi thấy mẹ chồng tương lai của con gái sỉa răng liên tục sau bữa ăn. Và lần nào, bà cũng cắm ngay tăm xuống chiếu hoặc xuống ghế salon của gia đình chị. Rồi thi thoảng bà làm cả nhà chị bàng hoàng khi tỉ mẩn ngoáy mũi rồi bôi ngay ra tường nhà thông gia.
Chị thấy ái ngại khi mẹ chồng chẳng có công ăn việc làm gì nhưng cũng chẳng để tâm giúp đỡ con cháu. (Ảnh minh họa).
Vì thương con gái, bố mẹ chị đã hết lời khuyên nhủ khi con gái quyết định làm dâu nhà nghèo. Nhưng thấy chị một mực kiên quyết, bố mẹ chị cũng đành chấp nhận dù ngay từ chưa cưới họ đã phát hiện ra sự bẩn bất thường của bà thông gia này.
Nhưng cũng may Long - chồng Hạnh là một chàng trai có chí tiến thủ. Và điều này coi như gỡ gạc lại chuyện mẹ anh. Ngày chị đi lấy chồng, mẹ chị khóc hết nước mắt mong chị hạnh phúc, yên ấm với tổ ấm và người đàn ông mà chị chọn.
Vốn tính hiếu thảo nên ngay sau khi cưới, Long đón mẹ lên ở cùng. Chị cũng đồng ý vì nghĩ rằng sống với mẹ có khi chị sẽ có cơ hội hiểu mẹ chồng hơn. Thêm vào đó, mẹ anh chỉ có mình anh, đã đến lúc anh cần báo hiếu mẹ.
Cuộc sống sau ngày cưới với thu nhập của hai vợ chồng dư dả chi tiêu nên tiếng cười vẫn tràn ngập hạnh phúc. Chị coi những chuyện không hợp, mâu thuẫn nhỏ lẻ điển hình như việc cắm tăm vào chiếu, vào salon, ngoáy mũi bôi chét lên tường... là do sự khác nhau vùng miền, thói quen của mỗi người mỗi khác. Chị tôn trọng mẹ chồng.
Thêm vào đó, sáng đi làm, tối mịt hai vợ chồng mới về nên dường như chẳng có thời gian khiến chị để tâm tới những chuyện vặt vãnh đó. Quan trọng hon cả là Long - chồng chị là người đàn ông biết vun vén gia đình, khéo léo, chiều vợ.
Nhưng khi đứa con đầu lòng ra đời, dường như mọi mâu thuẫn bắt đầu bùng nổ. Bố mẹ chị cứ mua hoa quả, sữa hay bất kỳ đồ ăn gì sang để tẩm bổ cho con gái thì y như rằng hôm trước hôm sau giỏ thức ăn đã không cánh mà bay. Để ý chị mới thấy mẹ chồng chị làm thì ít nhưng ăn thì liên mồm.
Hôm nào có mẹ chị sang giúp đỡ thì chị thấy nhẹ nhõm. Hôm nào chỉ mình chị “chiến đấu” với mẹ chồng thì chị chán nản toàn tập. Bà cứ lên ngó dăm phút lại chạy xuống bảo “mẹ ra chợ mua móng giò nấu cháo cho con lợi sữa” song phải trưa mới về. Chị thừa biết mẹ chồng chị ra đầu ngõ kê ghế ngồi “chém gió” với mấy bà hàng xóm.
Cứ đúng giờ bà lại đi ngủ ngon lành bất kể các con ăn hay chưa, cháu có quấy khóc hay không. Khi nào thấy mẹ chị sang giúp đỡ này nọ, mẹ chồng mới vừa đứng nhìn, vừa sỉa răng.
Chị thấy ái ngại khi mẹ chồng chẳng có công ăn việc làm gì nhưng cũng chẳng để tâm giúp đỡ con cháu. Trong khi mẹ đẻ chị còn trẻ vẫn đang đi làm lại phải nghỉ liên tục để sang giúp vợ chồng chị. Chẳng cần chị nói, mẹ chị cũng hiểu chị đang bực mình điều gì.
Dù giận, dù thấy không hợp song trong thâm tâm chị vẫn nghĩ mẹ chồng chị là người dân quê, chân chất, vô tư, dù hơi vô duyên song vẫn chấp nhận được. Đến khi những thói quen xấu của bà khiến chị quá bực mình, chị mới thay đổi hoàn toàn cách nghĩ.
Một lần đang chăm con, họ hàng nhà chồng từ quê lên chơi, ai cũng sà vào phòng chị trách: “Dâu ơi là dâu, sao đối xử thế nào mà mẹ chồng con gầy trơ xương ra thế này?”. Rồi mẹ chồng chị lại rầu rĩ ra mặt: “Thì con dâu nó đẻ, mình không chăm cháu thì ai chăm cho?”.
Rồi chị thấy mấy bà túm năm tụm ba ra ngồi một chỗ trách bố mẹ chị vô tâm khi “chuyển giao công nghệ” sạch sành sanh cho mẹ chồng chị. Suy đi tính lại, chị chưa thấy bà làm được gì cho chị, cho các con cháu.
Để con trai yên tâm đi làm, sáng sớm nào bà cũng vào với cháu được 5 phút. Khi Long dắt xe đi làm thì bà cũng “bốc hơi” theo. Tới trưa bà lôi thức ăn - đồ mà bố mẹ chị mang qua tẩm bổ cho chị ăn ngon lành. Rồi bà lên nhắc chị: “Tũn mà ngủ thì con xuống nấu lại thức ăn mà ăn nhé”.
Lần nào xuống bếp chị cũng hết hồn với đống bát đũa, đồ đạc, nồi niêu bẩn thỉu vứt mỗi thứ một góc. Mẹ chồng chị không biết nấu ăn. Nhưng giá mà bà để y nguyên những món ăn bố mẹ chị mang sang còn đỡ, đằng này bà thích biến tấu. Thịt bò hay cá kho kiểu gì bà cũng phải đổ thêm vài lít nước vào để nấu lên làm canh, bà bảo chan với cơm ăn mới dễ. Bà thích ăn mì chính vậy là món gì bà cũng cho thêm cả chục thìa vào.
Chưa hết, trước đây bà có thói quen trồng rau sạch cho cả gia đình ăn khiến thời gian đầu chị mừng lắm, vì đó là một thói quen, một việc làm tốt. Thế nhưng sau khi phát hiện ra bà chuyên bón cây bằng nước tiểu của mình… thì chị chẳng còn dám ăn.
Chị cũng đôi lần góp ý: "Trong nhà có phân hữu cơ, hay mẹ dùng tạm". Bà lại nằng nặc nhảy lên mách con trai: “Con xem, nó có ngu không cơ chứ? Phân tươi mới tốt chứ phân hữu cơ thì nói làm gì?”.
Tóm lại, càng sống với bà, chị càng thấy mệt mỏi. Chị chẳng biết những mâu thuẫn vớ vẩn này sẽ kéo dài tới bao giờ.
Mời bạn đọc gửi bài viết tâm sự, chia sẻ những clip, hình ảnh hay thắc mắc khó nói về tình yêu, hôn nhân đến chuyên mục Yêu và Sống và Kết nối. Mọi ý kiến chia sẻ bạn đọc có thể gửi về hòm thư: banbientap@xahoi.com.vn .
0 nhận xét:
Đăng nhận xét