Sức khỏe | Căn bệnh có từ thời cổ đại?
Bộ xương hóa thạch phát hiện thấy tại Stanlake (Anh) mang khối u kích thước bằng một trái bóng rổ ở phía chân trái.
Giả thiết cho rằng ung thư là căn bệnh của thời hiện đại là sai lầm và qua nghiên cứu hóa thạch cho thấy căn bệnh này rất cổ xưa, có từ thời tiền sử.
Bắt đầu từ hóa thạch của người Homo
Theo một nghiên cứu mang tên The Cancer Chronicles: Unlocking Medicine’s Deepest Mystery (tạm dịch: Giải mã ung thư - căn bệnh bí ẩn nhất của y học) công bố tại Anh cuối tháng 6/2013 thì vào năm 1932, nhà nhân chủng học người Anh Lowis Leakey cùng cộng sự đã phát hiện thấy hóa thạch xương hàm có sự tăng trưởng bất thường của căn bệnh ung thư tại Kenya. Vào thời điểm phát hiện thấy hóa thạch, Lowis Leakey cho rằng đây là bằng chứng cổ xưa nhất về tổ tiên loài người. Đặc biệt, phát hiện thấy dấu vết khối u ở quai hàm trái. Hiện tại, hóa thạch này đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Tự nhiên London. Dựa theo vị trí tìm được tại Hồ Victoria phía Tây Kanam nên xương hóa thạch nói trên được đặt tên là xương hàm dưới Kanam, hay xương hàm dưới của người đàn ông Kanam (Kanam Man). Trong chiếc hàm này vẫn còn hai chiếc răng vàng ố gắn trên xương hàm cùng với những chiếc lỗ chân răng sâu hoắm sau khi răng đã rụng.
Những dấu vết ung thư được phát hiện
Sau trên nửa thế kỷ, hóa thạch xương hàm của người đàn ông Kanam mới được sáng tỏ, khi một nhóm các chuyên gia ung thư người Ai Cập và Hy Lạp khai mạc hội nghị chuyên đề về ung thư và hóa thạch nói trên và sau đó một năm, các nhà khoa học đã có chuyến đi khảo sát tới đảo Kos, nơi Hoppocrates (người sáng lập ra nền y học hiện đại, thầy thuốc vĩ đại nhất trong thời đại của ông) ra đời. Sau các sự kiện trên, một nghiên cứu khoa học được ghi nhận lại trong cuốn sách dày 58 trang tựa đề Palaco-Oncology ngoài bìa vẽ hình một con cua ra đời. Trong tiếng Hy Lạp, cua là karkinos và Hippocrates ở thế kỷ thứ 5 sau CN cũng dùng từ này để ám chỉ căn bệnh ung thư, còn trong tiếng Latinh là cancer và từ đây nó trở thành từ gốc cho một số từ chuyên môn như carcinogen (chất gây ung thư) và carcinoma (ung thư biểu mô). Theo sử sách còn ghi thì một bác sĩ cổ đại tên là Galen đã suy đoán và ghi lại trong một văn bản cổ cho rằng con cua chính là hình ảnh được những người cổ đại dùng để mô tả bệnh ung thư. Lý do, trong căn bệnh này, các mạch máu được mở rộng từ khối u, làm cho nó có hình dạng giống như con cua. Và từ đây, câu chuyện nói trên đã được nhắc đi nhắc lại trong lịch sử y học, đặc biệt những gì liên quan đến căn bệnh này. Đến thế kỷ thứ 7, các nhà khoa học Hy Lạp cho rằng rất ít khối u giống hình con cua nhưng sở dĩ nó được gọi như vậy là để nói về sự bướng bỉnh, bất trị của căn bệnh nói trên. Những năm 30 của thế kỷ trước, Louis Westena Sambon - chuyên gia nghiên cứu ung thư người Anh đã gọi ung thư là một loại ký sinh trùng có tên Sacculina Carcini, nó có thể “ăn uống no say, sau đó tạo ra khối u, di căn khắp cơ thể”.
Mới đây, một bộ xương hóa thạch của một người đàn ông Saxon thời Trung cổ được phát hiện thấy tại Stanlake (Anh). Đặc biệt, người ta tìm thấy một khối u kích thước bằng một trái bóng rổ ở phía chân bên trái. Hoặc tìm thấy dấu vết ung thư của người đàn ông thời Đồ đồng và dấu vết ung thư của một người ở Visigoth, thế kỷ thứ 5 tại Tây Ban Nha và trong hầm mộ Trung cổ ở Black Forest, miền Nam nước Đức. Bằng chứng bệnh ung thư ở chân của một đứa trẻ đang di căn lên đùi và hông. Đặc biệt, phát hiện thấy sự hủy hoại xương trong hốc mắt do thiếu máu mà ngày nay khoa học hiện đại cho rằng là do tác động của ung thư, nguyên nhân là do nhiễm độc chì và kim loại nặng. Đây là dạng bệnh u xương ác tính nhưng người cổ đại không biết nguyên nhân, thường đổ lỗi cho lý do ma tà, thần thánh.
Ngày nay, khoa học hiện đại đã phát hiện thấy là do di truyền, do những bất thường trong nhiễm sắc thể, do các loại hóa chất dùng lọc nước các chất phóng xạ... Sau khi nghiên cứu ở một xác uớp Ai Cập cổ, các nhà khoa học còn phát hiện thấy một dạng khối u ác tính, ung thư mũi - họng ảnh hưởng đến màng nhày trong mũi tạo ra vết sẹo trên xương, thậm chí ăn rỗng cả vùng hốc mũi, như hóa thạch của một phụ nữ cổ đại Ai Cập có tên là Eugen Stronhal.
Năm 2001, các nhà khảo cổ đã khai quật hầm mộ 2.700 tuổi ở Cộng hòa Tuva của Nga, nơi chôn cất các thủ lĩnh kỵ binh Nga Scythtan. Sau khi đào qua 2 sàn gỗ, người ta phát hiện thấy một hầm mộ phủ một lớp vải nhung đen, phía dưới là hai bộ xương thuộc dòng dõi quý tộc ôm lấy nhau theo kiểu vợ chồng. Kèm theo rất nhiều vàng bạc, châu báu được chôn cùng và nếu đếm chi tiết có khoảng 2.500 món đồ khác nhau, nhưng sự giàu có đó đã không cứu được những người này thoát chết. Qua phân tích cho thấy, những người này chết ở độ tuổi 40, xương bị nhiễm khuẩn và có nhiều khối u. Sau khi phân tích bệnh lý, phần lớn đều bị tổn thương mô mang tính di căn, đặc trưng của căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Qua xét nghiệm hóa sinh cho thấy, mức độ kháng nguyên tuyến tiền liệt (hay PSA) rất cao.
Theo nghiên cứu The Cancer Chronicles: Unlocking Medicine’s Deepest Mystery thì đến nay các nhà khoa học đã phát hiện thấy trên 200 trường hợp ung thư của người cổ đại, 90% phát sinh trong các mô của cơ thể, tuy nhiên, mức độ xâm lấn, bị phá hủy của các khối u là do nghi lễ ướp xác cổ đại đã làm cho dấu vết bị biến dạng. Ngoài ra còn phải kể đến các yếu tố khách quan, quá trình phân hủy và ăn mòn do thời tiết gây ra. Tổng thể thì ung thư là căn bệnh mang tính lịch sử, đã từng tồn tại từ thời cổ xưa. Trong khi tỷ lệ ung thư trực tràng của người hiện đại là 6-11%, ung thư dạ dày 8-18%, ung thư vú 57-73% và ung thư tuyến tiền liệt là 57-84% thì ung thư của người cổ đại chỉ có 4-7% đối với phụ nữ và dưới 2% đối với nam giới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét