Sức khỏe | Bị cắt một phần nội tạng vẫn sống tốt
Ông Nicholas Crace, 83 tuổi vẫn khỏe mạnh sau khi hiến tặng một quả thận (ảnh internet)
Khi chỉ có một quả thận, hoặc sống với dạ dày bằng 1/3 bình thường, hay không hề có trực tràng… nhưng vẫn phải làm việc, hoạt động như bao người khác đòi hỏi bệnh nhân cần có một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt đặc biệt.
Làm sao để sống tốt với một quả thận?
Những trường hợp đang sống chỉ với một quả thận không hiếm. Theo ThS-BS Nguyễn Hoàng Đức, Khoa Tiết niệu, Bệnh viện (BV) FV (TP.HCM), những bệnh lý dẫn tới cắt thận chia ra làm hai nhóm lành tính và ác tính. Nhóm lành tính là thận bị tắc nghẽn, mất chức năng do sẹo hẹp niệu quản, sỏi, dị tật hẹp bồn thận, lao đường tiết niệu hoặc chấn thương sau tai nạn. Nhóm ác tính là ung thư xuất phát từ nhu mô hoặc bể thận. Nếu bướu thận xuất phát từ nhu mô lớn hơn 4cm sẽ được chỉ định phẫu thuật, còn ung thư xuất phát từ bể thận đa phần phải cắt hết.
Những bệnh nhân bị ung thư phải cắt thận thường ở độ tuổi trên 50, đối với các ca cắt thận do dị tật bẩm sinh, lành tính thường trẻ hơn (từ 20 - 30 tuổi).
Theo BS Đức, thận có các chức năng chính như bài tiết nước tiểu, bài tiết cặn bã và chất độc trong cơ thể, điều hòa các thành phần của máu, huyết áp, điều hòa sản sinh hồng cầu. Chính vì thế, khi chỉ còn một, quả thận này sẽ phải gánh thêm phần việc của quả thận đã bị cắt.
Trước tiên, khi chỉ còn một quả thận, người bệnh phải cẩn thận hơn trong đi lại, sinh hoạt. Tiếp đến, người có một quả thận phải rất thận trọng khi uống thuốc và uống rượu bia.
Có nhiều loại thuốc có hại cho thận, bởi vậy, trước khi quyết định uống thuốc gì, bệnh nhân cần tham vấn bác sĩ. Rượu bia được khuyến cáo tuyệt đối tránh đối với người chỉ còn một thận. Uống rượu bia sẽ làm xơ gan, và xơ gan sẽ dẫn tới suy thận.
Đối với những trường hợp chỉ còn một quả thận, mà quả thận đó cũng có dấu hiệu bị suy thì phải kiêng các món ăn mặn nhiều muối như cá khô, dưa món… Ăn mặn sẽ làm tăng giữ nước trong cơ thể, khiến tình trạng của thận càng thêm nặng nề.
Lưu ý cho người bị cắt dạ dày, đại tràng
BS Ngô Văn Huy, Phó khoa Tiêu hóa - gan mật, BV FV cho biết, tỷ lệ bệnh nhân phải cắt bỏ một phần dạ dày khá cao bởi hiện nay ung thư dạ dày đang là loại ung thư đứng thứ hai ở Việt Nam. Với những trường hợp bị ung thư dạ dày, đa phần phải phẫu thuật cắt bỏ. Ngoài ra, cũng có một số nguyên nhân khác dẫn tới phải cắt một phần dạ dày như loét, khối u… Đối tượng phải cắt một phần dạ dày thường gặp nhiều hơn ở nam giới.
Dạ dày có chức năng chứa đựng và tiêu hóa sơ bộ thức ăn. Bởi vậy khi bị cắt bớt thể tích, dạ dày cũng vì thế mà nhỏ lại, khiến sự hấp thu dưỡng chất bị giảm.
Những bệnh nhân bị cắt bớt dạ dày kém hấp thu vitamin B12 hơn người bình thường.
Để thích ứng với một cái dạ dày nhỏ hơn mà vẫn hoạt động, sinh hoạt được như cũ, người bị phẫu thuật cắt dạ dày cần chia nhỏ các bữa ăn. Ví dụ người bình thường ăn ba bữa/ngày, người bị cắt bớt dạ dày cần ăn năm - sáu bữa/ngày. Mỗi bữa tuy lượng thức ăn ít hơn nhưng phải nhiều đạm, giàu vitamin và các chất dinh dưỡng hơn. Những thực phẩm được khuyên là giàu vitamin B12 cho người bị phẫu thuật cắt bớt dạ dày là trứng, sữa, ốc, cá hồi, cua…
Một bộ phận khác trong cơ thể mà rất nhiều bệnh nhân khoa nội tiêu hóa phải cắt bỏ, đó là đại tràng, nguyên nhân thường do ung thư. Ung thư đại tràng hiện đang đứng thứ tư trong các loại ung thư ở Việt Nam, cũng như ung thư dạ dày, bệnh này gặp ở nam giới nhiều hơn bởi đàn ông hay hút thuốc lá và uống rượu bia.
"Nếu chỉ cắt 1/3 đại tràng thì không bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên trên thực tế nhiều người phải cắt toàn bộ đại tràng, dẫn tới rất nhiều rối loạn cho cơ thể" - BS Huy chia sẻ.
Đại tràng là đoạn cuối của quá trình tiêu hóa, có chức năng hấp thu nước, chứa và cô đặc phân. Cắt bỏ hết đại tràng đồng nghĩa với việc bệnh nhân thường xuyên phải đi cầu lắt nhắt, phân lỏng, làm chất lượng sống bị ảnh hưởng.
Đối với người phẫu thuật cắt đại tràng, ngoài hỗ trợ bằng thuốc, ăn thế nào và ăn uống những gì đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Bác sĩ khuyên bệnh nhân phải ăn nhiều bữa, hạn chế ăn những chất dễ hấp thu chứa nhiều xơ như rau quả, nên ăn các thức ăn khô.
Do đại tràng là nơi hấp thụ nước mà đã bị cắt bỏ nên bệnh nhân phải uống nhiều nước hơn (chỉ nên uống nước đun sôi thông thường, tránh uống các loại nước có độ thẩm thấu cao như nước ngọt có gas).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét